Cách đây 40 năm, tại Grammy lần thứ 16 diễn ra vào ngày 2/3/1974, ca sĩ Roberta Flack được xướng tên ở hạng mục giải thưởng quan trọng nhất, Đĩa nhạc của năm. Một năm trước, cô đã được trao giải thưởng này nhờ ca khúc The First Time Ever I Saw Your Face và giờ tới lượt Killing Me Softly with His Song đã đưa Flack trở thành nữ danh ca duy nhất trong lịch sử Grammy 2 năm liên tiếp là quán quân ở một hạng mục.

Đã 4 thập niên trôi qua nhưng ca khúc này dường như chưa bao giờ bị xóa khỏi ký ức của những người yêu nhạc.

 

Bóp nát sức sống em bằng tiếng ca

Killing Me Softly With His Song là sáng tác của cặp đôi Charles Fox (soạn nhạc) và Norman Gimbel (viết lời) và người đầu tiên cất lên những giai điệu dịu dàng thắm thiết ấy lại không phải Roberta Flack mà là Lori Lieberman.

Đó là năm 1972, thời điểm của những điều đầu tiên. Lori Lieberman lúc đó là một ca sĩ mới toanh và đang ôm ấp cho ra mắt album đầu tay. Charles Fox và Norman Gimbel nuôi mộng khai sinh một vở nhạc kịch Broaway hoành tráng dựa theo ý tưởng từ một cuốn tiểu thuyết Argentina. Nhưng tất cả đều dở dang, những cố gắng của Fox và Gimbel cuối cùng chỉ là một sáng tác nhỏ dựa trên ý tưởng từ một chương trong cuốn sách. Ở chương này có đoạn nói về nhân vật chính, trong một đêm sầu khổ đã đến một quan bar nghe nhạc và mê mẩn tiếng dương cầm tấu lên những điệu blues buồn bã. Nhân vật chính đã thốt lên Killing Me Softly With His Blues (Hãy giết tôi bằng điệu blues của ông ấy) và Gimbel đã chụp ngay câu này làm ý tưởng cho bài hát của mình. Chỉ có điều nếu dùng “blues” thì sẽ gây cảm giác buồn bã, không hợp không gian âm nhạc thời thượng năm 1972, và cuối cùng “blues” được chuyển thành “song”. Ngay trong đêm Norman Gimbel viết xong toàn bộ phần lời và gọi cho người bạn Charles Fox. Fox cũng rất hào hứng và chỉ trong một ngày ông ngồi piano sáng tác giai điệu dựa trên những ca từ ấy.

Trở thành huyền thoại

Một ngày tháng 3/1972, ca sĩ rất nổi danh lúc đó, Roberta Flack, đang nhắm mắt mơ màng trên chuyến bay từ Los Angels tới New York. Bỗng chiếc tai nghe gắn trên ghế ngồi máy bay phả ra một giai điệu khiến Flack choàng tỉnh. Vừa xuống sân bay, Flack gọi ngay cho Quincy Jones (lúc đó là ông trùm của Hãng Motown) hỏi số điện thoại của Charles Fox và hai ngày sau, Flack có toàn bộ tổng phổ của Killing Me Softly With His Song.

Flack dành trọn 3 tháng sau đó tập luyện cùng ban nhạc. Cô quyết định không đi theo lối mộc kiểu Lori Lieberman mà hơi ngả sang R&B pha soul. Cấu trúc hợp âm được thay đổi, tiết tấu được đẩy nhanh hơn cho giọng hát của Flack có không gian luyến láy, điệu thứ cuối bài được chuyển sang trưởng và phần hòa âm được pha thêm một chút điện tử với chủ đạo là tiếng piano mà Flack trực tiếp chơi.

Tháng 9/1972, Robert Flack được mời hát mở màn cho đêm diễn của ca sĩ Marvin Gaye tại Nhà hát Greek. Sau khi hát một bài đã được chuẩn bị sẵn, Flack được yêu cầu thêm bài nữa. Lúc này cô chẳng có bài nào và quyết định hát bài vừa tập xong, Killing Me Softly With His Song. Khi bài hát vừa chấm dứt, cả nhà hát vỗ tay vang dội, thính giả như bị thôi miên bởi giai điệu quá ngọt ngào với tiếng hát gai gai của Flack. Marvin Gaye sau đó đã nói với Flack: “Quá tuyệt cưng ơi nhưng đừng hát lại một lần nào nữa trước khi em cho công chúng một đĩa nhạc”. Bốn tháng sau, tháng 1/1973, Flack phát hành đĩa đơn ca khúc này và đúng như lời Gaye, bài hát thành công vang dội. 4 tuần liên tiếp ca khúc đứng đầu bảng Billboard và sau đó thành công khắp thế giới. Vậy là gần hai năm kể từ ngày ra đời, Killing Me Softly With His Song mới thể hiện được hết sức mạnh của mình, qua giọng ca Roberta Flack. Bài hát đã giúp cô đoạt 2 giải Grammy và giúp bộ đôi Fox – Gimbel giành giải quan trọng không kém, Ca khúc của năm. Phiên bản của Roberta Flack được xếp hạng 360 trong danh sách 500 bài hát hay nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone và đứng thứ 82 trong Những bài hát hay nhất Billboard mọi thời. Năm 1996, nữ danh ca Lauryn Hill cùng nhóm nhạc Fugees cũng giành được giải Grammy nhờ phối lại ca khúc này theo kiểu reggae fusion/alternative hip hop rất thành công.

Tại Việt Nam ca khúc này xuất hiện năm 1974 trong hai album, Nhạc trẻ 4 và Tình ca nhạc trẻ 1. Ở album Nhạc trẻ 4 là tiếng hát của nữ ca sĩ Khánh Hà trong nhóm Thúy – Hà – Tú với phần chuyển lời mang tên Nỗi đau dịu dàng của nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Còn album hợp tuyển Tình ca nhạc trẻ 1 là phần chuyển ngữ của Vũ Xuân Hùng với tên gọi Xin giết em bằng tiếng hát êm đềm, ca sĩ Vi Vân hát. Phiên bản của nhạc sĩ Lê Hựu Hà phổ biến nhất, phần chuyển ngữ được xem là “thơ” nhất, gần với nguyên gốc nhất (tuy vậy nhiều người vẫn nghĩ Nỗi đau dịu dàng là của Vũ Xuân Hùng).

 

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *