Có nhiều điều bí ẩn đằng sau ca khúc được mệnh danh là bản rock hay nhất mọi thời đại – Stairway To Heaven. Nhiều người còn tin rằng chính quỷ dữ đã “đưa đường chỉ lối” để Led Zeppelin có được báu vật này.

Thế kỷ trước, khi mà radio vẫn là kênh phổ biến nhạc chủ yếu, có thể lấy ra một ví dụ sau để thấy độ “vĩ đại” của Stairway To Heaven. Ca khúc ra mắt năm 1971 và cho đến cuối thập niên 1990, người ta ước tính chỉ riêng tại nước Mỹ, nếu cộng tổng thời lượng mà các đài phát thanh dành cho Stairway To Heaven, con số đã lên tới xấp xỉ… 44 năm.

Không chỉ ca từ ảo mộng, đoạn guitar riff bất hủ hay bất cứ thứ gì thuộc về yếu tố “cơ học” khác, Stairway To Heaven còn kích thích người nghe bằng những câu chuyện đã khơi dậy không ít suy đoán thần bí. Nhưng chỉ e rằng, phía sau tấm màn nhung đen tuyền ảo diệu chỉ trơ trọi một bức tường trắng vô hồn.

Led Zeppelin cố tình “ra vẻ” khi kể về “Stairway To Heaven”?

Tất nhiên, ai cũng muốn “tô hồng” cho đứa con máu thịt của mình. Nhất là khi đứa con ấy lại quá ưu tú và chất chứa những kỳ vọng khôn xiết.

Stairway To Heaven được Led Zeppelin đầu tư với mong muốn tạo nên một sản phẩm “vĩ đại” có thể thay thế Dazed And Confused trở thành trung tâm cho những show diễn kín đặc của họ.

Tay guitar Jimmy Page – người viết nhạc chính cho ca khúc – thừa nhận đã đoán trước nó sẽ thành hit. Chỉ là không dám mơ đến ngày sáng tác của mình được ghi tạc như một tượng đài.
Suốt những năm 1970, trong mọi cuộc phỏng vấn, Led Zeppelin đều kể câu chuyện về Stairway To Heaven với điểm bắt đầu tại căn nhà đá cổ mang tên Bron-Yr-Aur tại Hampshire, Anh. Đây là nơi mà Robert Plant (giọng ca chính của nhóm) đã dành một phần tuổi thơ của mình. Sau 18 tháng rệu rã vì những tour diễn liên tục, ông rủ cả nhóm về đây để xả hơi cũng như tập trung cho album mới.

Trong câu chuyện của Page, đây là nơi mà những nốt đầu tiên của bài hát đã xuất hiện. Ông cũng nhiều lần cài cắm hình ảnh của ông ở vùng Robert Plant ngồi bên lò sưởi, đắm chìm trong cảm hứng giữa những bức tường lúc nào cũng như toát lên cả tấn sử thi và bên ngoài là không gian yên bình lạnh lẽo của vùng quê nước Anh.

Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như hơn 40 năm sau, trong phiên tòa mà Led Zeppelin bị cáo buộc sao chép bài nhạc Taurus cho đoạn mở đầu của Stairway To Heaven.

 

Theo Page, ông đã tự viết toàn bộ bài nhạc và chỉ chơi nó cho các thành viên lần đầu tiên tại ngôi nhà cổ kiêm studio Headley Grange. Robert Plant cũng chứng thực thông tin này.

Lời khai như một “cú tát” dành cho các “tín đồ” của Led Zeppelin bao năm qua đã tìm mọi cách “hành hương” về Bron-Yr-Aur như một vùng “đất thánh”. Thậm chí BBC còn ghi nhận nhiều vụ đột nhập và lấy trộm đồ đạc về làm… kỷ niệm bởi những fan cuồng.
Headley Grange có thể không mê hoặc như Bron-yr-Aur nhưng cũng sở hữu nhiều điểm thú vị. Đó là một lâu đài khổng lồ, cũ kỹ, nằm trong cùng khu vực với Bron-yr-Aur, cũng không có điện và chỉ lấy nguồn nước tự nhiên. Song bù lại, nó giúp tạo nên âm thanh tuyệt hảo. Nhiều ban nhạc từng chọn đây làm điểm thu âm để có sự riêng tư và tập trung sáng tác.

Báu vật được ban tặng bởi quỷ dữ?

Sở dĩ câu chuyện về ngôi nhà Bron-Yr-Aur có sức nặng ghê gớm đến vậy bởi nó ăn nhập hoàn hảo với tinh thần “huyền thoại” mà Led Zeppelin đeo đuổi. Nhiều người nói khi nhắm mắt lại và nghe nhạc của Led Zeppelin, họ thậm chí còn cảm nhận được tiếng vọng của ngôi nhà vùng nông thôn ấy.
Tinh thần này rải rác trong các sản phẩm của nhóm. Đơn cử như Stairway To Heaven cây viết Karen Karbo của tạp chí Esquire nhận xét: “Với một độ dài tới ngột ngạt, đoạn chuyển đột ngột và ca từ huyền bí, một ca khúc mang âm hưởng Trung cổ thực sự là một lựa chọn lý tưởng”.
Âm hưởng này được cảm nhận rõ nhất là qua tiếng sáo réo rắt ở khúc đầu, nổi bật trên nền guitar mang hơi hướm nhạc folk.
Robert Plant, người viết lời cho ca khúc, có niềm đam mê đặc biệt với những điều huyền bí. Phần lời của Stairway To Heaven được ông lấy cảm hứng từ cuốn sách Ma thuật của người Celtic ở nước Anh của tác giả Lewis Spence và bộ truyện nổi tiếng Chúa tể những chiếc nhẫn.

 

Plant còn ám chỉ rằng ông bị điều khiển bởi thế lực vô hình, chữ nghĩa cứ thế tuôn trào trong trạng thái “thăng hoa”. Ông còn nhấn mạnh bản thân đã không khỏi “nhảy dựng” vì sửng sốt khi đọc lại những gì mình vừa viết ra.
Lại một chia sẻ không khỏi gây cảm giác cố tình “thêu dệt”. Nhưng chính nó lại khiến Robert vướng phải tin đồn “oan nghiệt”.

Năm 1982, chương trình truyền hình Trinity Broadcasting Network công bố rằng bằng kỹ thuật “phát băng ngược”, đoạn cuối bài lại biến thành lời lẽ ca ngợi quỷ dữ: “Ôi Satan ngọt ngào của tôi. Lối mòn của người khiến tôi buồn rầu, sức mạnh ấy là Satan. Ngài sẽ mang đi tất cả cùng con số 666. Nơi căn lều nhỏ, ngài bắt chúng ta chịu đựng, hỡi Satan”.

Mặc dù Robert đã lên tiếng phủ nhận cũng như mỉa mai những suy diễn, nhưng những người ủng hộ giả thuyết “Led Zeppelin bán linh hồn cho quỷ dữ” lại có thêm căn cứ khi Page Jimmy đặt mua ngôi nhà của tác giả Aleister Crowley ở Scotland.
Aleister Crowley, trong cuốn sách của mình đã khuyến khích độc giả học cách đọc và nói ngược. Đây cũng là phương thức thường được sử dụng bởi The Beatles để tạo nên sự châm biếm.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *