Roy Orbison có thể xem là một trong những “hoàng tử sầu bi” điển hình của âm nhạc đại chúng. Có thể ví von anh là một cú big-bang của dòng nhạc rock ‘n roll, chia sẻ phòng thu chung với những tay chơi nhạc trẻ tuổi hứa hẹn sẽ khiến nhiều thế hệ điên đảo. Nhưng anh lại không phải một trong số họ. Anh chỉ là một chàng trai với khuôn mặt khoai tây nom ngốc nghếch với giọng ca ma thuật. Orbison đã không được ngó ngàng cho tới khi những gã Sun Records khác mờ nhạt. Và anh đã làm điều đó bằng cách chạm vào sự tuyệt vọng, nỗi tổn thương của sự thất bại.

Oh, Pretty Woman

Crying và Only The Lonely là bài hát cho những con người đơn côi nơi phương xa. Trong khi đó, Running Scared lại xây dựng một cái kết hạnh phúc tột đỉnh và căng thẳng. Đi suốt cả bài hát, bạn không thể tìm được một phút nhẹ nhõm, ngay cả trong cái kết. Bạn nhớ nỗi sợ hãi tột cùng khi biết người quan trọng của bạn sắp bỏ đi cùng với người khác. Roy Orbison không có thứ năng lượng hơn đời của tuýp trai mạnh mẽ, nhưng anh có nỗi buồn mênh mang hơn hết thảy.

Oh, Pretty Woman là hit lớn nhất trong sự nghiệp của Orbison, trở thành bài hát đóng đinh cho sự nghiệp của anh – một bài hát tán tỉnh mà cuối cùng cũng là cái kết có hậu. Trong bài hát, anh là chàng trai tìm cách tiếp cận một cô gái tình cờ thấy trên đường, những câu thoại của anh chàng đều rất buồn cười và ngô nghê. Anh gầm gừ. Anh than thở. Xin em hãy trả lời! – anh nói với cô gái – Em có còn đơn chiếc, như anh đây chăng? Nhưng cô nàng cứ tiếp tục bước đi, anh nhún vai cam chịu. Và rồi, bất ngờ, cô gái quay lại. Có lẽ cô ấy thích cách anh tự giễu mình. Hoặc chỉ đơn giản là thích cái đoạn riff khi anh chơi nhạc tán cô.

Bài hát có đoạn riff (đoạn nhạc lặp) vui nhộn và đáng yêu. Trong bản thu âm, Orbison đã có 4 tay guitar chỉ riêng cho đoạn riff, có lẽ là một cách để phản ánh cảm giác bất ngờ và tự tin khi cô gái cuối cùng cũng đi đúng hướng anh chàng muốn. Tất cả mọi thứ trong bài hát chỉ để phục vụ đoạn riff, từ tiếng trống khẩn trương đến cách hát của Orbison.

Oh, Pretty Woman là một ca khúc hạnh phúc lãng mạn và sự ngô nghê đáng yêu của một anh chàng có phần ngốc nghếch trót rơi vào lưới tình. Chuyện kể rằng, khi Orbison đang ngồi cùng Bill Dees chơi trò khảy nhạc với bất cứ thứ giai điệu gì bật lên trong đầu, thì Claudette, vợ Orbison, đến nói rằng cô đi mua sắm. Orbison đã hỏi cô có cần tiền không, và Dees đã chọc ghẹo rằng: Một phụ nữ đẹp thì chẳng bao giờ cần tiền cả. Được truyền cảm hứng, Orbison bắt đầu hát: Cô nàng xinh đẹp, thả gót hồng xuống phố. Và khi Claudette về nhà, họ đã viết xong bài hát.

Bill Dees sau này nhớ lại: “Anh ấy hát trong khi tôi đập tay xuống bàn. Khi cô ấy trở lại, chúng tôi đã hoàn thành bài hát. Tôi yêu bài hát này. Ngay từ khoảnh khắc giai điệu bắt đầu cất lên, tôi có thể nghe thấy tiếng gót giày chạm xuống mặt vỉa hè rải nhựa, cộc, cộc, cô nàng xinh đẹp, thả gót hồng xuống phố. Nàng diện váy vàng, chân đi đôi giày đỏ quyến rũ. Chúng tôi viết xong trong ngày thứ sáu ấy, và thứ sáu tuần sau chúng tôi thu âm nó, thứ sáu tuần sau nữa thì phát hành. Đó là tiến trình nhanh nhất tôi từng thấy. Nhưng thật ra, có lẽ Oh, Pretty Woman thực sự được lấy cảm hứng từ Beatles.”

Nghe chẳng giống chuyện buồn tí nào, đúng không? Không phải. Roy đã kết hôn với Claudette năm 1957, khi cô còn ở tuổi teen. Và khi anh bắt đầu có danh tiếng và công việc nhiều lên, cô bắt đầu thấy buồn chán mà tìm đến vòng tay của người khác. Tháng 11/1964, khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao với bài hát leo lên đỉnh các bảng xếp hạng, Roy biết vợ mình ngoại tình, rồi họ ly hôn. Khoảng hơn một năm sau, Roy và Claudette, khi ấy đã tái hôn, cùng đi chơi trên xe môtô, thì Claudette đâm sầm vào cánh cửa của chiếc xe tải đang mở và qua đời. Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Hai năm sau, đến lượt hai cậu con trai lớn của Roy và Claudette thiệt mạng khi căn nhà của họ bị cháy lúc Roy đang đi lưu diễn.

Oh, Pretty Woman là bài hát đỉnh nhất cũng là hit cuối cùng của Orbison. Sự nghiệp của ông chỉ phục hồi lại vào những năm 80 khi các nhạc sĩ nổi tiếng như Bruce Springsteen, Bob Dylan và George Harrison ca ngợi ông là nghệ sĩ có ảnh hưởng và mời ông tham gia nhiều dự án khác nhau. Ông được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Rock ‘n Roll và tham gia The Travelling Wilburys cùng với Dylan, Tom Petty, Harrison và Jeff Lynne. Khi đang tận hưởng sự nghiệp hồi sinh, ông qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 6/12/1988, ở tuổi 52.

Vậy đó, những ca khúc được yêu mến, ngay cả khi nó được viết trong niềm vui, thì cũng có thể làm tan nát trái tim bạn.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *