Trong những năm 60 đầy biến động ở nước Mỹ, có một bài hát của một nhóm nhạc Thụy Điển bất chợt leo lên ngôi đầu bảng xếp hạng Billboard. Hai người phụ nữ Thụy Điển hát bằng thứ tiếng Anh không hoàn hảo – nhưng lại hoàn hảo một cách “bạn muốn thốt lên một câu chửi thề, như cách người Mỹ vẫn quen thuộc – về một cô gái 17 tuổi trên sàn nhảy. Âm nhạc tươi sáng, giọng hát reo vui. Nhưng bên dưới là dòng chảy ngầm u sầu sâu đến tận xương. Những tiếng nói ca ngợi tuổi trẻ ngay cùng lúc với tiếng than khóc về sự mất mát. Họ xếp các giai điệu chồng lên các giai điệu, nổi lên trên nền nhạc như luồng không khí. Bạn yêu bài hát ấy.

Dancing Queen của ABBA

Hơn ba thập kỷ sau, nếu có phóng viên đặt câu hỏi với những con người của thập niên 60 ngày ấy bài hát nào sẽ là bài yêu thích, thì hẳn miệng bạn sẽ lẩm nhẩm cái tên… Dancing Queen của ABBA.

Đó chính là trường hợp của vị chính trị gia John McCain. Khi bị nhà sử học Walter Isaacson “tấn công” vì đã lựa chọn như vậy, ông đã nói rằng: Không thể hiểu nổi sao người ta có thể ghét ABBA trong khi vẫn Mamma Mia (tiếng Ý, nghĩa là “mẹ tôi”, tiếng thốt dùng để chỉ sự ngạc nhiên, cũng là tên một bài hát của ABBA).

John McCain có thể là một chính khách gây tranh cãi (mà thực ra chính khách nào cũng khiến người Mỹ tranh cãi cả), nhưng ít nhất thì ông cũng đúng về ABBA. Dancing Queen thực sự là câu đố thú vị. Bài hát nói về chuyện khiêu vũ (dance), nhưng lại không thực sự là một ca khúc nhạc dance. Nó nói về tình yêu nhạc rock, nhưng lại không phải là một bài nhạc rock. Nó là một bài hát tiệc tùng mà thanh lịch. Nó không phải là bài hát hoàn hảo duy nhất của ABBA, nhưng có lẽ nhờ cảm giác như McCain đã gặp – xa nhà lâu ngày và bất ngờ với việc một ca khúc nước khác chễm chệ ngôi đầu bảng xếp hạng vốn do nhạc Mỹ thống trị, nó là bài hát No.1 duy nhất của ABBA ở Mỹ. Thế nên, với người Mỹ, ABBA = Dancing Queen.

Công bằng mà nói, ABBA chưa từng thực sự chinh phục được nước Mỹ. Bốn thành viên của ABBA đều là nhạc sĩ, có những bản hit Thụy Điển, cả solo hoặc với ban nhạc cũ của mình, trước khi đến với ABBA. Nhưng âm nhạc của họ rõ ràng đậm chất châu Âu truyền thống. Họ được truyền cảm hứng bởi những ca khúc tiếng Anh và giai điệu pop thập niên 60 của nhà sản xuất/nghệ sĩ nổi tiếng Phil Spector. Nhưng theo Guardian, họ cũng hấp thụ nhạc ballad của Ý, nhạc dân gian Thụy Điển và cả nhạc schlager – nhạc pop kiểu Đức. Họ hát bằng tiếng Anh, nhưng rõ ràng tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.

Benny Andersson và Björn Ulvaeus, hai nhạc sĩ và nhà sản xuất chính của nhóm, đã tạo được tiếng vang ở Thụy Điển kể từ khi còn là thiếu niên những năm 60. Andersson là thành viên của nhóm nhạc rock đi theo phong cách của Beatles – Hep Stars, còn Ulvaeus có nhóm Hootenanny Singers. Agnetha Fältskog thì đạt No.1 tại Thụy Điển khi mới chỉ 18 tuổi với bài hát đậm chất pop Đức mà chính cô tự sáng tác. Frida Lyngstad cũng thành công phần nào với những single nhạc schlager từ khi còn trẻ, nhưng chưa từng có hit thực sự cho đến khi làm việc với Andersson và Ulvaeus.

Cuối cùng, Fältskog kết hôn với Ulvaeus và Lyngstad kết hôn với Andersson. Cùng với nhau, họ lập nên ABBA – lấy từ những chữ cái đầu tiên trong tên của họ (Abba cũng là tên thương hiệu món cá trích đóng hộp ở Thụy Điển và nhóm đã phải xin phép công ty để giữ được tên). Năm 1972, ABBA cho ra khúc Ring Ring trong một cuộc thi ở quê nhà, đặt hy vọng bài hát có thể “đi ra biển lớn” – cuộc thi nổi tiếng Eurovision Song Contest. Nhưng giám khảo đã vùi dập, bù lại ca khúc vẫn leo lên No.1 ở Thụy Điển.

Năm sau, ABBA tham gia với ca khúc khác có tên Waterloo, và họ đã đến được Eurovision Song Contest. Họ chiến thắng Eurovision năm đó, trở thành những cái tên sáng chói ở châu Âu, đạt No.1 ở ba quốc gia khác nhau, bao gồm nước chủ nhà Eurovision – Anh. Ngay cả ở Mỹ, nơi không ai chú ý đến Eurovision, thì Waterloo vẫn leo lên được vị trí số 6 trên Billboard. Trùng hợp là, cùng ngày mà ABBA ra mắt Waterloo ở Eurovision, đồng hương Blue Swede cũng đạt No.1 ở Mỹ với ca khúc Hooked On A Feeling cover lại của BJ Thomas, trở thành cái tên Thụy Điển đầu tiên từng No.1 ở Mỹ. Còn ABBA sẽ là “người” thứ hai.

Sau Waterloo, ABBA trở thành cái tên toàn cầu. Họ cực kỳ nổi tiếng ở châu Âu, tất nhiên, nhưng họ cũng gây tiếng vang ở những nước khác như Úc, Nam Phi, Nhật Bản. Nhưng sau Waterloo, nước Mỹ lại “miễn dịch” với họ. Họ vẫn lọt vào bảng xếp hạng, nhưng không bao giờ lên nổi Top 10 nữa. Mamma Mia chỉ đạt No.32. I Do, I Do, I Do, I Do, I Do và SOS là 15. Fernando 13. Mãi đến khi Dancing Queen xuất hiện, họ mới thực sự được làm “nữ hoàng” một lần.

Dancing Queen không phải ca khúc disco

Nhưng nó lại xuất hiện trên khắp sàn nhảy. Andersson và Ulvaeus, đã viết và sản xuất bài hát này, lấy cảm hứng từ beat ca khúc Rock Your Baby của George McCrae. Nhưng nếu như Rock Your Baby mỏng và đầy năng lượng, Dancing Queen lại chậm rãi, căng tràn sức sống mà cũng kịch tính. Andersson và Ulvaeus chất âm thanh lên âm thanh, giai điệu lên giai điệu. Điều đầu tiên chúng ta nghe thấy, một ngón tay lướt trên phím đàn piano, theo phong cách rất… Elton John. Khi bài hát bắt đầu, nó hoàn toàn dày đặc nhạc cụ – keyboard, đàn dây, rồi thứ gì đó như là một dàn hợp xướng.

Ulvaeus và Andersson nghe đi nghe lại, cho đến khi họ bắt đầu thấy hình ảnh một cô gái đánh mất mình trên sàn nhảy. Lời bài hát họ viết thật lạ lùng. Bởi đó không phải là ngôn ngữ của người bản địa:

Hòa vào điệu nhạc
Bạn cũng tới để tìm một vị quân vương…
Hay
Mở một chút điệu rock, mọi thứ thật tuyệt vời…
Rồi
Âm nhạc đã lên cao trào…

Bạn có thể nhảy, hòa mình vào điệu Jive tuyệt diệu…

Nhưng những ngôn từ ấy lại hiệu quả. Chúng có sức gợi tả. Khi bạn nhắm mắt lại, bạn cũng có thể thấy cô gái đó. Có lẽ bạn có thể là cô gái đó.

Khi Andersson chơi nhạc đệm cho Lyngstad, cô đã vỡ òa. Cô chưa từng nghe một bài hát nào như thế. Cô chỉ biết rằng đó chính là nó. Nhiều năm sau, Lyngstad nói với Guardian rằng bà đã khóc vì “thứ hạnh phúc thuần túy nhất, đó là tôi được hát ca khúc ấy, đó chắc chắn là bài hát tuyệt vời nhất của ABBA”.

Bạn có thể dễ dàng đồng cảm với những gì bà nói. Dancing Queen thực sự bắt lấy trái tim mọi người khi Lyngstad và Fältskog cùng cất tiếng ca. Bạn không thể bình thản trước Dancing Queen. Bạn hòa mình vào thế giới của nó, chạm vào nó và cảm nhận nó. Dancing Queen không phải ca khúc về ngày tận thế, hay nỗi cô đơn mênh mang lãng mạn. Nó chỉ là một ca khúc về đêm được cất lên trong sàn nhảy. Nhưng nếu bạn từng trải qua tuổi 17, nếu những chốn như sàn nhảy từng là nơi duy nhất bạn cảm thấy như đang ở nhà, thì đêm ở đó thực sự quan trọng hơn hết thảy.

Điều tương tự cũng xuất hiện trong bài hát In Da Club của 50 Cent, dù tất nhiên nó có phong cách khác hẳn. Trong In Da Club, không có giọng ca giục giã. 50 Cent chỉ đơn giản là bình tĩnh hát, như bình thường, nói rằng bạn hãy đến cho anh một cái ôm thật chặt. Nhưng tiếng beat nghe như bản nhạc phim James Bond, khi con tàu chở bom hạt nhân chuẩn bị đâm sầm vào nhà ga và Bond chỉ có 5 giây để giải quyết.

Mở màn Dancing Queen, Lyngstad và Fältskog đã hát với tất cả sự háo hức, kịch tính, sự nóng bỏng và niềm hạnh phúc

Mỗi đêm thứ sáu, khi ánh đèn vơi bớt

Bạn lại tìm một nơi để thả rông chính mình…

Nhưng đến phần điệp khúc, lại phảng phất nỗi tuyệt vọng trong giọng hát của họ. Họ nhớ mình từng là cô gái ấy. Họ nhớ cảm giác được là cô gái ấy. Họ yêu cô. Họ chỉ muốn điều tốt nhất cho cô. Họ hạnh phúc khi cô tồn tại, sàn nhảy tồn tại, và cô gái đó cũng có cảm giác như họ. Nhưng cũng có cảm giác mất mát tàn khốc ở đâu đó. Không có lời ca nào nói ra điều đó, nhưng nó lại ở đó, khi các giọng ca bay cao và sụp đổ cùng nhau. Tim bạn đập theo tiếng tambourine. Bạn hoàn toàn sống trong cái đêm thứ sáu ấy.

Dancing Queen là một ca khúc nhạc pop “pop” nhất có thể, mọi thứ ăn nhịp với nhau một cách hoàn hảo, khi ý nghĩa táo bạo mà tươi sáng, mạnh mẽ mà cô đơn, không hề phải cất lên thành lời. Rất nhiều người đã cố gắng tái dựng lại cảm giác sống động mà ABBA đã mang đến. Elvis Costello nói rằng Dancing Queen là “ngọc thực trời ban” và ông cố tái hiện lại bằng tiếng piano trong single Oliver’s Army phát hành năm 1979. Blondie từng cố gắng làm ra Dancing Queen phiên bản của nhóm khi họ thu âm Dreaming (1979). MGMT bắt lấy cái nhịp uể oải, mộng mơ của Dancing Queen và sao chép nó vào Time To Pretend (2008), cũng là ca khúc hay nhất họ từng viết.

Dancing Queen không chỉ là “bom tấn” ở Mỹ. Nó còn tấn công rất nhiều bảng xếp hạng trên toàn thế giới. Nó đứng đầu ở thị trường âm nhạc Nhật Bản, Mexico, Rhodesia, Brazil. Ở Úc, Dancing Queen giữ ngôi quán quân suốt 14 tuần, tương đương với kỷ lục của Hey Jude. Nữ hoàng Elizabeth II từng nói về ca khúc như sau: “Tôi luôn cố nhảy theo mỗi khi giai điệu vang lên. Bởi tôi là Nữ hoàng, và tôi yêu các điệu nhảy.”

Sau Dancing Queen, ABBA vẫn tiếp tục là cái tên được trọng vọng trong làng âm nhạc. Mặc dù ở Mỹ, ABBA chỉ lọt Top 10 hơn hai lần. Take A Chance On Me đứng No.3 khi phát hành vào năm 1978. Bản ballad trái tim tan vỡ The Winner Takes It All (1980) – phát hành ngay sau một đôi trong ABBA chia ly và ngay trước đôi còn lại cũng chia lìa đôi ngả – leo lên được vị trí số 8.

ABBA “đường ai nấy đi” vào năm 1983. Andersson và Ulvaeus tiếp tục làm âm nhạc trong một thời gian nữa. Cùng với nhà viết lời nhạc kịch Tim Rice, họ đã thu âm album Chess (1984), và được dựng lên sân khấu Broadway năm 1988. Một trong những single từ Chess là One Night In Bangkok đã đạt No.3 vào 1985. Trong khi đó, cả Lyngstad và Fältskog đều theo đuổi sự nghiệp solo. Năm 1982, trước khi ABBA chính thức tan rã, Lyngstad đã thu âm album Something’s Going On với nhà sản xuất Phil Collins dưới cái tên Frida. Ca khúc I Know There’s Something Going On của Frida chỉ đứng thứ 13 trên Billboard, nhưng cũng là một cú nổ thực sự.

ABBA tiếp tục lưu lại dấu ấn trong văn hóa đại chúng rất lâu sau khi họ tan rã, thậm chí, tiếng tăm của họ còn vang dội hơn so với lúc họ còn tồn tại. Mamma Mia, vở nhạc kịch được lấy cảm hứng từ các bài hát của họ, đã trở thành vở nhạc kịch kinh điển cho đến tận hôm nay. Album tổng hợp thành công nhất của họ ABBA Gold (1989) bán được hơn 30 triệu bản trên toàn cầu, trong đó 6 triệu đến từ thị trường Mỹ.

Dù người Mỹ rất “thù địch” ABBA khi họ còn sát cánh bên nhau, cuối cùng họ vẫn đón nhận thứ nhạc pop rất Thụy Điển ấy. Quả là kỳ lạ. Trong thập niên 90, một nhóm các nhà sản xuất tập trung xung quanh Cheiron Studios (Stockholm, Thụy Điển), bao gồm cả những cái tên gạo cội như Denniz PoP và Max Martin, học các bài hát của ABBA và tạo ra những con quái vật thống trị bảng xếp hạng dựa trên cảm hứng lấy từ đó. Thậm chí, có thể gọi đó là trường phái Cheiron hay “dân dã” hơn, trường phái ABBA, và rất nhiều bài hát thuộc nhóm này đã thống trị Billboard.

Đối với bản thân ABBA, các thành viên của nhóm đã thề sẽ không bao giờ tái hợp. Họ không mấy bận tâm đến dư âm mà họ để lại. Họ cũng là những người hiếm hoi hoàn toàn không đếm xỉa đến số tiền khổng lồ một khi họ tái hợp. Nhưng rồi vào năm 2018, không biết loan ra từ đâu, họ tuyên bố tái hợp và sẽ cho ra bài hát mới. Một mặt, không ai cần phiên bản phục dựng 3D các ngôi sao nhạc pop thập niên 70. Mặt khác, chúng ta vẫn không thể thoát khỏi sự chìm đắm trong nỗi u sầu ngây ngất mà họ để lại. Biết đâu đấy, chúng ta vẫn sẽ rộn ràng theo từng nhịp Dancing Queen như thuở nào thì sao.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *