Với những đóng góp hết sức lớn lao cho sự phát triển và dòng nhạc của nhóm. Judas Priest xứng đáng là một trong những nhóm nhạc quan trọng nhất trong lịch sử Metal. Họ thường được các fan của Metal đặt cho nickname Metal Gods, dựa theo tên một bài hát trong album British Steel -80.

Metal Gods

Judas Priest đã loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của blues và psychedelic rock ra khỏi dòng nhạc Metal. Như ở những bài đầu tiên chúng ta đã phân tích, dòng nhạc Metal hình thành và phát triển dựa trên gốc là hai dòng nhạc blues và psychedelic. Black Sabbath đã có những lúc tưởng như thoát khỏi ảnh hưởng của hai dòng nhạc này nhưng rồi bóng ma của cả hai dòng nhạc tiếp tục quay lại và ám ảnh trong rất nhiều albums về sau của nhóm. Các band nhạc Metal khác vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ blues và psychedelic. Bản thân Judas Priest trong album đầu tiên của họ – Rocka Rolla- cũng vẫn còn ảnh hưởng rất rõ của cả hai dòng nhạc này. Nhưng với các albums sau đó của nhóm, ảnh hưởng còn lại của hai dòng nhạc trên còn rất ít và dần dần mất hẳn. Đóng góp này của Judas khiến Metal trở thành dòng nhạc riêng biệt và không thể nhầm lẫn với các dòng nhạc khác.

Judas Priest đã phát triển âm nhạc Metal mới mẻ dựa trên 2 guitar lead của K.K Downing và Glenn Tipton. Nếu ở thời điểm hiện tại, điều này chằng có gì mới mẻ và quan trọng nhưng chúng ta cần phải đặt vào hoàn cảnh thập kỷ 70. Đầu thập kỷ 70 việc chơi theo kiểu 2 guitar lead là rất hiếm, band nhạc rock đầu tiên chơi theo kiểu này có lẽ là Wishbone Ash với đỉnh cao là album Argus -72. Nhưng Judas Priest là band nhạc đầu tiên của dòng nhạc Metal chơi và phát triển phong cách chơi này. Họ cũng là band nhạc đầu tiên chơi nhạc với tốc độ rất cao và mang lại nhiều âm thanh Metal cho cây đàn guitar. Đến bây giờ thì không thể đếm nổi là có bao nhiêu band nhạc Metal chơi theo kiểu hai guitar lead này nhưng có thể kể ra một số người khổng lồ: Iron Maiden, Metallica, Megadeth… tất cả những nhóm này đều chịu ảnh hưởng của Judas Priest.

Judas Priest cùng với giọng ca mang đậm tính opera của Rob Halford – Giọng ca của Halford trải trong một dải rất dài (wide range) từ giọng rất trầm lên tới cao vút. Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, giọng ca của ông này được cho là trải trong vòng 6 quãng tám (đây là một thuật ngữ âm nhạc chỉ những quãng âm giữa một âm cao này với một âm cao khác có tần số hoặc gấp đôi hoặc bằng một nửa tần số của nó). Giọng ca của Halford rất khỏe và có ảnh hưởng tới hầu hết các giọng ca của nhánh nhạc Power Metal và Progressive Metal.

Judas Priest cũng có đóng góp quyết định tới việc hình thành phong cách thời trang và biểu diễn mà sau này người ta gọi là phong cách Metal với việc mặc quần áo da đen trên có đóng rất nhiều đinh tán kim loại và các đồ trang sức kim loại khác. Phong cách biểu diễn trên sân khấu của nhóm cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới dòng nhạc Metal sau này khi Halford thường xuất hiện trên sân khấu với chiếc xe Harley Davidson.

Thành lập từ năm 1969 tại Birmingham – Anh Quốc, và đến tận năm 1974 nhóm mới cho ra đời album đầu tiên. Nhóm bao gồm: bộ đôi guitars Glenn Tipton/K.K Downing, Ian Hill –bass và Rob Halford – vocal , riêng vị trí trống của band nhạc thì liên tục thay đổi cho đến tận cuối thập kỷ 70 với Dave Holland và cuối thập kỷ 80 đến nay là Scott Travis. Trong lịch sử kéo dài tới hơn 50 năm của mình, Judas Priest đã cũng trải qua rất nhiều thời kỳ với sự thay đổi khá lớn trong âm nhạc. Tuy nhiên họ chưa bao giờ rời xa khỏi dòng nhạc Heavy Metal, phần lớn các albums của nhóm đều trở thành những album kinh điển của nhạc Metal thế giới như: Sad Wings Of Destiny -76, Sin After Sin – 77, Stained Class -78, Hell Bent For The Leather -78, British Steel -80, Point Of Entry -81, Screaming For Vengence -82, Defenders Of The Faith -84, Painkiller -91.

Ngoài ra các album như Jugulator -97, với giọng ca của Tim Owens, Angel Of Retribution -2005, với sự trở lại của Rob Halford và Nostradamus cũng rất được yêu mến và hâm mộ.
Sau album đầu tiên Rocka Rolla chưa có ý tưởng rõ ràng và chịu nhiều ảnh hưởng của cả nhạc blues và psychedelic, thì 3 albums sau đó của Judas đã phát triển một thứ âm nhạc Metal thuần chất, loại bỏ hầu hết các ảnh hưởng của blues và psychedelic.

Cả 3 albums sau này đều trở thành kinh điển của cả dòng nhạc. Năm 1976, Judas Priest tung ra album thứ 2, cũng là album cuối cùng của mình với hãng Gull, một hãng ghi âm nhỏ của Anh. Sau album này, Judas ký hợp đồng với hãng đĩa lớn hơn CBS, hãng đĩa đóng góp công sức rất lớn khiến họ nổi tiếng trên toàn cầu. Tuy nhiên Judas Priest lại không giữ bản quyền 2 đĩa đầu của họ, điều này khiến việc tìm được 2 địa đầu bây giờ cũng khá khó khăn. Ta trở lại với âm nhạc của Judas Priest, album Sad Wings Of Destiny hiển nhiên là album kinh điển đầu tiên của Judas Priest với rất nhiều đặc trưng của nhóm: tung hứng giữa 2 tay lead guitar, giọng ca cao vút của Halford. Mặc dù tiết tấu của album còn khá chậm, giống như các album Metal khác trong cùng thời, nhưng album vẫn luôn được giới phê bình và cả các fan hâm mộ đánh giá rất cao với một loạt các bài hát nổi tiếng như: Victim Of Changes, The Ripper, Dreamer Deceiver, Tyrant, Genocide. Đây cũng là album đầu tiên của nhóm đạt đĩa vàng tại Mỹ, khởi đầu cho một chuỗi các albums thành công về mặt thương mại sau này.

Album tiếp theo của nhóm Sin After Sin -77 là album đầu tiên của nhóm ký với hãng đĩa lớn CBS, nó cũng đánh dấu bước ngoặt lớn của Judas Priest khi nhóm lần đầu tiên đi lưu diễn khắp nước Mỹ và biểu diễn với những nhóm nhạc khổng lồ như REO Speedwagon, Foreigner và đặc biệt là với Led Zeppelin trong festival Day On The Green, nơi lần đầu tiên nhóm biểu diễn trước đám đông 120 nghìn khán giả. Cũng chính vì những tour lưu diễn này mà nhóm dần dần được biết đến và trở thành một nhóm nhạc nổi tiếng và phổ biến trên toàn bộ nước Mỹ. Về mặt âm nhạc, Sin After Sin chứng kiến sự thay đổi trong âm nhạc của nhóm với một tốc độ cao hơn rất nhiều so với album trước đó Sad Wings Of Destiny.

Chính vì vậy, nhiều fan hâm mộ cho rằng đây mới thực sự là album Metal đầu tiên, tuy nhiên ta sẽ không quay lại vấn đề này nữa. Trong album cũng có một số bài ballad như: Last Rose Of Summer hay Here Comes The Tears. Những bài hát như: Sinner hay Let Us Prey/Call for the Priest, Hot Deal là những điểm sáng của album. Đây cũng là album thứ hai trong chuối 11 albums đạt đĩa vàng hoặc bạch kim của Judas Priest tại Mỹ.

Thời kỳ đầu phát triển nhạc Metal của Judas Priest kết thúc với album Stained Class -1978. Với rất nhiều fan hâm mộ của nhóm, thì đây là album xuất sắc nhất. Kế tục album trước Sin After Sin, album này còn có tiết tấu nhanh và mạnh hơn. Âm nhạc của nhóm cũng trở nên đen tối hơn so với các albums trước đó với lời bài hát thường liên tưởng đến cái chết, thế giới bên kia, luân hồi, ma quỷ… Với album này, hình dạng của dòng nhạc Metal mới đã được hoàn toàn định đoạt. Kể từ khi hình thành vào những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70, nhạc Metal đã thoát khỏi ảnh hưởng của nhạc blues và psychedelic rock để trở thành dòng nhạc riêng với tiết tâu nhanh và mạnh nhất trong lịch sử âm nhạc.

Chính vì thế với rất nhiều fan hâm mộ của dòng nhạc Metal, họ coi đây là album xuất sắc nhất trong lịch sử của dòng nhạc và chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào lý do. Ta cũng không quên nhắc lại là trong album này có bài hát cover Better By You, Better Than Me đã khiến cho Judas Priest lâm vào cuộc chiến pháp lý vô nghĩa và rất đau buồn trong lịch sử của nhóm. Các bài hát trong album đã trở thành kinh điển có thể kể đến : “Exciter”, “Beyond The Realms Of Death”, “Better By You, Better Than Me”, “White Heat, Red Hot”, “Saints In Hell”…

Với 3 albums này, Judas Priest đã dẫn dòng nhạc Metal đi theo một hướng mới mẻ và hiện đại với tốc độ cao, những đoạn solo guitar mạnh mẽ đồng thời loại bỏ ảnh hưởng của blues và psychedelic ra khỏi nhạc Metal. Tuy nhiên 3 albums này vẫn có những điểm yếu riêng của chúng. Trong cả 3 albums, giọng ca của Halford sử dụng rất nhiều những đoạn gào thét (screaming) do ông chịu ảnh hưởng của Ian Gillan của Deep Purple, rất nhiều fan Metal thích điều này nhưng với những người hâm mộ bình thường thì không.

Hiển nhiên giọng ca của Halford khỏe và cao hơn nhiều so với Gillan nhưng để dòng nhạc Metal chinh phục được những khán giả “bình thường” thì Judas cần có sự thay đổi, chính vì thế một loạt các albums sau giai đoạn này của nhóm đã có nhiều tính thương mại, dễ nghe hơn để hướng tới phần đông công chúng. Đó cũng chính là giai đoạn tiếp theo của nhóm với rất nhiều albums thành công vang dội.

Thời kỳ thành công trên toàn thế giới

Thời kỳ này khởi đầu với album Killing Machine/ Hell Bent For The Leather -78. 9 tháng sau khi cho ra đời album Stained Class. Judas Priest cho ra đời album Killing Machine (tại Anh Quốc)/ Hell Bent For Leather (tại Mỹ). Album này chứng kiến sự thay đổi lớn trong âm nhạc của Judas Priest khi những đoạn solo chát chúa hoặc những đoạn gào thét rất phổ biến ở các album trước trở nên ít dần trong albums này.

Âm nhạc của nhóm, tuy vẫn có tốc độ rất cao, trở nên dễ nghe và thân thiện với các đài radio hơn, mà bản ballad Evening Star, Before The Dawn là ví dụ điển hình (bản ballad Before The Dawn được phát liên tục trên các kênh radio). Với sự ra đời của album này, nhạc Metal đã dần được xã hội chấp nhận và dần trở nên phổ biến trong xã hội. Các bài hát hay trong album có thể kể đến: Killing Machine, Hell Bent For Leather, Take On The World, Running Wild hay Before The Dawn. Album này cũng đánh dấu phong cách thời trang Metal của band nhạc với việc sử dụng áo da và các đồ trang trí kim loại mà sau này vô cùng phổ biến trong các band nhạc Metal.

 

Tiếp nối thành công của Killing Machine, album British Steel -80 tiếp tục loại bỏ nốt những phần lyric đen tối và khó hiểu vẫn còn chút ít ở album trước. Album trở thành album đầu tiên của Judas Priest đạt được đĩa bạch kim tại Mỹ (bán được hơn 1 triệu bản) và đưa band nhạc lên tầm cao mới. Với sự phát triển của các phương tiện hình ảnh trong thập niên 80, MTV chẳng hạn, lần đầu tiên một bài hát của Judas Priest được quay video clip – Breaking The Law – và liên tục xuất hiện trên các chương trình MTV và kênh VH1. Các bài hát như: Metal Gods, Breaking The Law, United, You Don’t Have To Be Old To Be Wise, Ling After Midnight là những điểm sáng trong album.

Với những thành công của Killing Machine và British Steel, Judas Priest tiếp tục ghi âm một album dễ nghe hơn nữa – Point Of Entry -1981. 3 singles được tung ra từ album này và đều được quay video clips đó là : Heading Out To The Highway, Don’t Go và Hot Rockin’. Âm nhạc trong album này gần với classic rock hơn là metal. Album chỉ thuộc dạng trung bình trong sự nghiệp âm nhạc của Judas Priest dù cũng đạt đĩa vàng tại Mỹ.
Sau phản ứng khá tiêu cực của các fan về album Point Of Entry, Judas đã trở lại với thứ âm nhạc đích thực làm nên thương hiệu của họ với album đỉnh cao trong sự nghiệp – Screaming For Vengence. Các bài hát trong albums này khá đồng đều với nhiều bài hát rất khác biệt: từ bài có tiết tấu rất nhanh như Screaming For Vengeance đến tiết tấu khá chậm và tình cảm như (Take These) Chains.

Các bài hát trong album tuy rất khác biệt nhưng điểm chung là đều có giai điệu khá hay. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình Judas bán được hơn 2 triệu album ở Mỹ (double platinum) đây cũng là album đạt đỉnh cao về thương mại của nhóm, bán được hơn 5 triệu bản trên toàn thế giới. Bài hát You’ve Got Another Thing Comin’ là một trong các bài hát phổ biến nhất của Judas Priest. Điểm sáng trong album này có thể kể đến: The Hellion/Electric Eye, (Take These) Chain, Screaming For Vengeance hay You’ve Got Another Thing Comin’.

Tiếp nối thành công của Screaming For Vengeance, Defender Of The Faiths -84 lại là thành công với cùng một mạch của album Screaming For Vengeance, âm nhạc không có nhiều thay đổi chỉ thiếu các bài hits. Sự thay đổi lớn nhất không đến từ âm nhạc của nhóm mà chủ yếu đến từ khâu sản xuất của album. Album này được đầu tư sản xuất công phu và có chất lượng cao hơn rất nhiều so với các album trước của nhóm. Freewheel Burning, Jawbreaker, Rock Hard Ride Free là những bài hát có chất lượng trong album.

Sau những album thành công vang dội ở cuối thập kỷ 70 đầu 80, Judas Priest quyết định chuyển hướng âm nhạc một lần nữa khi chơi thể loại nhạc Metal dựa nhiều trên syntheriserr với 2 albums Turbo và Ram It Down (ban đầu nhóm định tung ra 1 album kép mang tên Twin Turbo nhưng dưới sức ép của hãng thu âm đã tách thành 2 album, với Ram It Down có 4 bài được sáng tác trong cùng thời kỳ với Turbo). 2 albums này không thực sự được đánh giá cao nên band quyết định quay trở lại với âm nhạc Metal truyền thống ở giai đoạn đầu tiên của nhóm với album PainKiller -1990. PainKiller là albums đánh nhanh và mạnh nhất trong lịch sử của band nhạc và có vẻ chịu ảnh hưởng của Thrash Metal. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, giọng ca gào thét của Halford trở lại và thậm chí còn cao hơn trước rất nhiều. Dù được tung ra vào năm 90 nhưng albums nhanh chóng được coi là một trong những đỉnh cao trong âm nhạc của Judas Priest và trở thành kinh điển trong làng nhạc Metal thế giới. Sự có mặt của tay trống mới Scott Travis cũng làm cho âm nhạc của band có tiết tâu nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với trước kia. Rất nhiều bài hát trong albums này liên tục được trình diễn trong các buổi biểu diễn của band nhạc và được fan vô cùng yêu mến như: Pain Killer, Metal Meltdown, A Touch Of Evil hay All Guns Blazing. Album Painkiller cũng là album kinh điển cuối cùng với sự có mặt của Halford của Judas Priest.

Sau album này Halford, do đã cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán với âm nhạc của Judas (?) cộng với những rắc rối không đáng có của vụ kiện đình đám đã quyết định chia tay Judas Priest để theo đuổi sự nghiệp solo của riêng mình.

Sau rất nhiều năm im lặng sau sự ra đi của Halford, phải đến năm 1997, các thành viên còn lại của Judas Priest mới quyết định tiếp tục sự nghiệp của mình bằng cách mời vocalist Tim Owen “Ripper” (Nickname của ông này lấy theo một bài hát của Judas) về nhập nhóm. Dĩ nhiên Halford là một huyền thoại nên ta không thể so sánh Ripper với ông được. Nhưng dù sao Ripper cũng là một tài năng âm nhạc, tài năng của anh này thể hiện ngay trong album đầu tiên với Judas Priest – Jugulator. Cũng giống như Turbo, đây là một album chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong âm nhạc của Judas Priest – nhưng lần này họ chơi Thrash Metal. Có một điều kỳ lạ là Halford rời bỏ Judas Priest để theo đuổi một thứ âm nhạc khác biệt hơn – nghiêng về Thrash Metal thì các thành viên còn lại Judas Priest cũng tiếp tục chơi một thứ âm nhạc mang đậm chất Thrash Metal. Album này cũng gây ra một sự chia rẽ lớn trong các fan hâm mộ của nhóm thành 3 phần riêng biệt: một phần chấp nhận hướng đi mới của nhóm, phần còn lại thích hướng đi mới nhưng không chấp nhận Ripper thay thế Halford và phần cuối cùng không thích cả hướng đi mới và cả Ripper.

Mặc cho những đánh giá khác biệt và chia rẽ của fan hâm mộ, những bài hát như Bullet Train và Cathedral Spires vẫn được coi là những bài hát kinh điển của Judas Priest. Nhưng album tiếp theo Demolition, cũng với giọng ca của Ripper, thì nhóm không còn được sự ủng hộ của fan hâm mộ nữa. Album này là sự thất bại trên mọi mặt của Judas Priest. Đây cũng là lý do chính để Ripper rời nhóm và ra nhập Iced Earth – một nhóm Power Metal Mỹ cũng khá nổi tiếng.

Sau một thời gian dài theo đuổi sự nghiệp solo và thành lập một loạt band như Fight, 2wo, Halford quyết định quay trở lại để tái hợp với Judas vào năm 2003. 2 năm sau đấy nhóm cho ra đời album Angel of Retribution, một album đánh dấu sự trở lại với những giá trị ban đầu của Judas. Album ngay lập tức được đánh giá rất cao với một loạt các ca khúc được hâm mộ như: Judas Rising, Hell Rider, Loch Ness hay Angel.

Tiếp tục thành công của Angel Of Retribution, đến năm 2008, lần đầu tiên Judas Priest tung ra 1 album kép và có cốt truyện (concept album) nói về cuộc đời của nhà tiên tri nổi tiếng Nostradamus. Đây là một album Metal Opera với sự xuất hiện nhiều của các đoạn chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng. Nó cho thấy sự thay đổi và trưởng thành rất nhiều của Judas Priest, tất nhiên nó cũng không hoàn toàn dành cho tất cả mọi người. Đây vẫn là một album hay. Mặc dù là band nhạc gạo cội nhưng do những vấn đề kiện tụng, tranh cãi ngoài đời thực mà Judas Priest vẫn không được giới hàn lâm đánh giá cao.

Nhưng với Nostradamus thì khác, lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình Judas nhận được giải thưởng Grammy cho bài hát Nostradamus trong album. Với một band nhạc mang tiếng xấu nhiều như Judas, điều này hẳn cũng sẽ nói lên rất nhiều điều. Tuy vậy, đây lại là album cuối cùng của nhóm với tay guitar gạo cội K.K Downing, người đã tuyên bố nghỉ hưu vào năm 2011 – 3 năm sau khi tung ra album Nostradamus. Lý do sự chia tay của Downing là do mâu thuẫn trong đường hướng phát triển của ban nhạc với các thành viên khác cũng như người quản lý của band. Thiếu vắng Downing quả thật là mất mát lớn đối với Judas nhưng những thành viên còn lại vẫn quyết định tiếp tục sự nghiệp của mình với album mới có thể được phát hành trong năm nay -2013, mà tất nhiên là không có sự có mặt của Downing.

Tuy trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng Judas Priest vẫn là một trong những band nhạc được yêu mến và có nhiều ảnh hưởng bậc nhất trong dòng nhạc Metal thế giới với rất nhiều đóng góp to lớn. Chắc chắn Judas Priest sẽ còn được nhắc đến rất nhiều trong các bài viết tiếp theo.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *