Chance là bài ca tôn vinh một con người đã lấy việc đem lại sự sống cho người khác làm tôn chỉ hành động cho mình.

Năm 1940, Chiến tranh Thế giới thứ II bước vào giai đoạn khốc liệt. Hàng triệu người Do Thái bị phát xít Đức dồn vào những trại tập trung ở châu Âu, những điều chờ đợi họ chỉ có lao động khổ sai, phòng hơi ngạt và xử bắn. Khắp nơi trên đất châu Âu, những người Do Thái hoảng loạn cố gắng tìm cho mình một hy vọng sống mong manh. Và rồi một con người vĩ đại đã cứu sống 6.000 người Do Thái. Ông là nhà ngoại giao Nhật Bản Sempo Sugihara. Chiến công này của ông đã được tái hiện qua ca khúc nổi tiếng của ban nhạc Savatage: Chance (Cơ hội).

Lựa chọn sinh tử

Savatage là ban nhạc progressive rock opera, dòng nhạc kết hợp giữa thể loại progressive rock và opera, hàng đầu thế giới, được biết đến với những album concept (các ca khúc trong album xâu chuỗi thành một câu chuyện liền mạch) mang nhiều tính nhân văn như “Streets: A Rock Opera”, “Dead Winter Dead”… Ban nhạc được thành lập bởi hai anh em Jon Oliva và Criss Oliva. Những ý tưởng sáng tác, phối khí của Jon Oliva luôn khiến người nghe phải suy ngẫm và trăn trở. Anh được mệnh danh là “Nhà thơ của nỗi đau”. Ca khúc Chance nằm trong album “Handful of Rain” (1994) là một trong những kiệt tác của anh.

Giai điệu mạnh mẽ, lôi cuốn và lối hòa âm phức tạp, “Chance” đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng trong phong cách của ban nhạc, với việc sử dụng lối hát đối âm gồm nhiều bè khác nhau đan xen, đối chọi trong cùng một đoạn của bài hát.

Chance bắt nguồn từ câu chuyện có thật, ca ngợi chiến công thầm lặng của một con người dũng cảm, dám đương đầu với thử thách để mang lại hy vọng sống cho hàng ngàn người bị dồn đến chân tường diệt chủng. Ông là Sempo Sugihara.

Ca khúc mở đầu bằng tiếng piano chậm rãi cùng giọng hát trăn trở. Trước mắt chúng ta là hình ảnh một người đàn ông đơn độc, đang đứng trước quyết định sinh tử: làm theo chỉ thị của thượng cấp, hay theo sự mách bảo của con tim?

“Ông đứng đó hoàn toàn cô độc

Cố gắng tìm ra ngôn từ để nói

Khi những lời cầu nguyện đã kết thúc

Những giấc mơ ông chưa từng thấy

Vẫn còn được giấu kín

Cho tới ngày mai, như không có gì xảy ra”.

Trong tay người đàn ông đó là sinh mệnh của hàng ngàn con người đang bị đe dọa bởi thế lực tàn bạo Đức Quốc xã.

“Hãy nhìn lũ quỷ trên đường phố trong đêm

Chạy rầm rập dưới cơn mưa nặng hạt

Cười nhăn nhở dưới ánh sáng chói loà

Ta sẽ quay trở lại!

Hãy nhìn những con người đứng thành hàng dài

Đầu cúi gập như lúa mì nặng hạt

Không ai nhìn thấy lưỡi liềm

Đang phạt qua cánh đồng”

Nhịp độ của ca khúc trở nên dồn dập, dữ dội gần như khốc liệt, với sự tham gia của tất cả các nhạc cụ, tạo nên âm thanh của một dàn nhạc giao hưởng, tái hiện khung cảnh kinh hoàng của những năm tháng ấy. Tiếng giày bốt phát xít gõ rầm rập trên đường như tiếng đinh đóng nắp quan tài.

Tháng 9.1939, phát xít Đức xâm chiếm Ba Lan, mở màn cho cuộc chiến tranh bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại. Người Do Thái trở thành nạn nhân của chính sách diệt chủng của Hitler, họ bị truy lùng và đưa đến những trại tập trung ở biên giới Đức – Áo. Người Do Thái ở khắp châu Âu tìm cách bỏ trốn đến các nước chưa bị chiến tranh chạm tới, trong đó có nước Cộng hòa Lithuania ở ven biển Baltic.

Sáng sớm ngày 27.7.1940, nhà ngoại giao Nhật Bản Sempo Sugihara bị đánh thức bởi tiếng la hét vọng vào từ bên ngoài tòa Lãnh sự Nhật ở Kaunas, Lithuania. Ông nhìn qua cửa sổ và ngạc nhiên trước cảnh tượng đám đông hỗn loạn, nhốn nháo. Người quản gia thông báo cho ông đó là những người tị nạn Do Thái và tất cả những gì họ cần là tấm visa để đến một nước thứ ba.

Vào thời điểm đó, không một tòa lãnh sự nào ở Lithuania chịu cấp visa cho họ vì chẳng nước nào muốn chứa chấp người tị nạn Do Thái. Hoàn cảnh của Sugihara cũng trớ trêu vì nước Nhật quê hương ông sắp trở thành đồng minh của phát xít Đức. Ông điện về Bộ Ngoại giao ở Tokyo để mong được sự cho phép của thượng cấp, nhưng đáp lại chỉ là câu trả lời lạnh lùng: “Không được cấp hộ chiếu cho những người không có nơi đến định trước”.

Sugihara hiểu rằng ông phải lựa chọn: tuân theo lệnh của Chính phủ Nhật để rồi nhìn hàng ngàn con người khốn khổ bị sát hại dã man, hoặc nghe theo lương tâm và chấp nhận hậu quả khôn lường.

“Ông hiểu rằng không còn ai khác

Những ai đang chờ đợi trong bóng tối như là định mệnh

Đó là những con người khốn khổ của chiến tranh

Không bao giờ còn thấy ngày mai!

Hãy đón nhận cơ hội này!

Dẫu biết rằng bọn xấu xa thật lớn mạnh

Thay hình đổi dạng dễ dàng

Cái giá của sự vô tội sẽ như thế nào?

Không bao giờ như nhau!

Phải chăng đêm đến khi mà vầng trăng lặn?

Phải chăng đêm đến cùng ngọn lửa cô quạnh?

Nếu như mọi sự quanh đây có đổ vỡ

Đừng đổ lỗi cho tôi…”

Đặc sứ của Thượng đế

Người đàn ông ngồi trầm tư trong căn phòng tranh tối tranh sáng. Tiếng cầu xin của đám người tị nạn bên ngoài cửa sổ bám riết lấy tâm trí ông, thúc giục ông đưa ra một lựa chọn sinh tử. Thời gian không còn nhiều nữa. Bỗng chốc ông phải đối mặt với tất cả: tương lai, sự nghiệp, lương tâm, trách nhiệm đối với Tổ quốc…!

Ca khúc lắng xuống một lúc với tiếng guitar luyến láy, những nốt ngân dài đem lại cho người nghe sự tĩnh lặng bao trùm – trước khi bùng lên cơn bão. Ca khúc bước vào phần hát đối âm – cũng là cuộc độc thoại, tự vấn lương tâm dữ dội của nhà ngoại giao.

“Đêm đen tan biến dần

Những cảnh tượng phơi bày trước mắt

Ông ta đứng đó như bị thôi miên

Đối diện với sự ức chế của bản thân

Mà vẫn luôn phải tin tưởng

Không còn gì nữa ngoài một cơ hội này…”

Một giọng nói khác vang lên đầy chất vấn:

“Ta e sợ ngươi

Sự im lặng của ngươi,

Sự mù quáng của ngươi.

Hãy xem ngươi muốn thấy gì!

Trong bóng đêm.

Chỉ có một sự thân ái,

Một giây phút thôi.

Hãy nói đi ngươi tin vào cái gì”

Người đàn ông tự tìm ra câu trả lời cho mình:

“Tôi chẳng tin điều gì,

chưa bao giờ thực sự có.

Đối với cuộc đời ngươi

Những lời dèm pha đều là giả dối!

Ai là người đang chống lại lũ xấu xa?

Chắc chắn không bao giờ là tôi.

Ai sẽ làm nhân chứng

Cho cơ hội chết của ngươi”

Bất lực, ông cầu cứu Chúa:

“Hỡi Cha tôn kính, Người có nghe con chăng?

Đừng để mọi thứ diễn ra như vậy

Con và Cha đều đang yên ổn

Đừng thờ ơ với định mệnh của kẻ khác”

Tiếng hát đối âm với sáu bè xen lẫn dữ dội vừa hỗ trợ, vừa đối lập nhau, đẩy tâm trí người nghe quay cuồng trong giai điệu của bài hát và cuộc tự vấn lương tâm đầy khó khăn của nhân vật chính. Cuối cùng tất cả các bè đều hợp nhất trong câu:

“All the time believing

That it now came down to nothing but this chance

Chance !… Chance!… Chance!”

Lương tâm đã chiến thắng sự vị kỷ. Người đàn ông nhận ra rằng phải nắm lấy cơ hội sinh tử này, vì nó sẽ đem lại sự sống cho nhiều con người tuyệt vọng đang chờ giúp đỡ.

Sau một đêm không ngủ, ông nói với vợ, bà Yukiko: “Có lẽ tôi sẽ làm theo ý của tôi. Sự nghiệp của tôi sẽ kết thúc. Nhưng nếu tôi làm ngược lại tức là tôi đã trái ý Chúa”. Ông thông báo với những người Do Thái tị nạn: ông sẽ cấp cho họ visa đến vùng Caracao – thuộc địa của Hà Lan trên vùng biển Caribê, vùng đất này không cần phải có visa nhập cư mà chỉ cần có visa thông hành.

Ngày 1.8.1940, Sugihara bắt tay vào công việc, cả ngày lẫn đêm. Mẫu visa chính thức đã hết, ông chuyển sang viết tay. Đến tuần lễ thứ ba của tháng 8, phía Tokyo yêu cầu Sugihara ngừng ngay việc cấp visa vì số người Do Thái từ châu Âu đến cảng Kobe và Yokohama quá đông, gây nên tình trạng hỗn loạn. Ông phớt lờ.

Cuối tháng 8, quân đội Liên Xô chiếm Lithuania, đóng cửa lãnh sự quán Nhật và yêu cầu Sugihara phải chuyển ngay đến Berlin, Đức. Nhưng người Do Thái vẫn tiếp tục đổ về đây. Đêm cuối cùng ở Lithuania, Sugihara bám trụ tại một khách sạn gần tòa Lãnh sự để làm nốt công việc cấp visa. Sáng hôm sau, dù đã ngồi trên tàu hỏa, ông vẫn cắm cúi viết nốt những tấm visa cuối cùng và quăng chúng qua cửa sổ cho những người Do Thái.

Sugihara, với nỗ lực phi thường, đã cứu sống gần 6.000 người Do Thái. Và việc này đã làm ông bị cách chức vào năm 1946. Trong số những người được ông cứu thoát, nhiều người sau này đã giữ chức vụ quan trọng trong nhà nước Israel, trong đó có Zorach Warhaftig, người soạn ra Tuyên ngôn Độc lập cho nước này.

Sugihara qua đời năm 1986. Chiến công thầm lặng của ông chưa bao giờ được đưa vào những bộ phim về cuộc chiến chống phát xít Đức (như “Schindler’s List” của đạo diễn Steven Spielberg đoạt nhiều giải Oscar năm 1993), nhưng nó sẽ còn được ghi nhớ mãi mãi bởi nhân loại tiến bộ. Đối với người Do Thái, cái tên Sempo Sugihara đồng nghĩa với “đặc sứ của Thượng Đế”.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *