Ai đã từng có một tình yêu gần như thế, hẳn sẽ hiểu tôi đang nói gì…(Anyone who have a love close to this knows what I’m saying…)

Hãy quên đi, những lời xưng tụng. Hãy quên đi, những vị trí trên các bảng xếp hạng đầy hào quang. Hãy quên đi, cả những khóc than tiếc nuối. Tượng đài bất tử dành cho người nghệ sĩ, đầu tiên, sẽ được xây bằng những mảnh hoài niệm lúc nào cũng sẵn sàng lóe lên từ dưới bụi mờ.

Ngân lên đầu tiên trong tâm khảm khi nghe tin buồn về Marie Fedricksson (nữ ca sĩ chính của ban nhạc Thụy Điển lừng danh Roxette vừa qua đời ngày 9-12), thật kỳ lạ, không phải là đoạn dạo đầu của “It must have been love” – ca khúc nổi tiếng nhất của họ, nhạc phim Pretty Woman.

Đó lại là tiếng sóng vỗ bờ, tiếng còi xe cấp cứu, và rồi một đoạn intro với tiếng dương cầm thánh thót nhưng đầy day dứt, để rồi giọng ca trầm buồn ấy cất lên: “Ai đã từng có một tình yêu gần như thế, hẳn sẽ hiểu tôi đang nói gì…(Anyone who have a love close to this knows what I’m saying…). Màu sắc của nét nhạc, màu sắc của ca từ, màu sắc của chính chất giọng ấy, trong bản thu đó, đã khác đi khá nhiều so với thứ sinh lực tuổi trẻ mãnh liệt từng cùng Marie “làm mưa làm gió” đầu những năm 90, với “Listen to your heart”, với “It must have been love”, với “The Look”, với “Spending my time hay với Fading like flower”. Thế nhưng, người viết lại yêu thích sự điềm đạm ấy, nỗi đau âm ỉ chất chứa trong từng nốt nhạc ấy, sự từng trải lắng vào cách nhả hơi ấy hơn.

Người phụ nữ đã đi qua thanh xuân vẫn có thể là người phụ nữ quyến rũ, và quyến rũ ngay cả với nỗi đau trĩu nặng. Người phụ nữ ngoảnh nhìn lại ký ức, để thả trôi những ca từ bàng bạc niềm thương nhớ: “Ai đã từng có những nụ hôn trong mưa, hẳn sẽ hiểu điều đó có nghĩa là gì. Ai đã từng đứng trong ánh sáng, cũng sẽ chẳng cần phải giải thích điều gì…(Anyone who ever kissed in the rain knows the whole meaning. Anyone who ever stood in the light needs no explaining)”. Cuối cùng, “dù thêm hay bớt, mọi chuyện cũng hiện lên theo cách đầy vô nghĩa (but everything more or less appear so meaningless)”.

 “Anyone”, thực ra, liệu có phải là một khúc tình ca đúng nghĩa? Cho dù mang hình hài ngôn từ thế nào, khi Marie ngân nga câu cuối: “Tất cả đã kết thúc rồi…(It’s all over babe)” theo cách mình chị có thể hát, nó cũng giống như một lời tạ từ nào đó khác hẳn với lời chia tay một mối tình. Và thêm nữa, bởi vì trong MV ấy có bóng dáng của cái chết, “Anyone” lại càng giống một dự cảm u ám.

Đâu đó xa xăm hơn, những ai đã từng ngày qua ngày đối diện với sự trống rỗng hay những suy tưởng siêu thực, có lẽ cũng sẽ dễ dàng nhớ đến “I don’t want to get hurt” nức nở, hay “Queen of rain” mơ màng. Song, tất cả những khía cạnh đó có lẽ đều chưa từng được Marie và Roxette khắc họa ở đâu rõ như “Anyone”. Sự bất lực, hay đúng hơn là sự thanh thản chấp nhận, khiến cho nỗi đau được thốt ra nhẹ như hơi thở vụt đông đặc thành trầm tích.

“Ai đã từng gục ngã như tôi? Ai chưa từng chuẩn bị để gục ngã? Ai đã từng yêu như tôi, sẽ hiểu chuyện gì chưa từng thực sự xảy đến. Mọi thứ kết thúc khi nó kết thúc. Tôi có thể làm gì? (Anyone who felt like I do? Anyone who wasn’t ready to fall? Anyone who loved like I do knows it never really happen at all. It’s over when it’s over. What can I do about it?)”.

Có thể là một mối tình. Cũng có thể là cả cuộc đời. Có thể là những liên tưởng cường điệu, nhưng những cảm xúc về “Anyone” cũng hoàn toàn có thể là một trải nghiệm kỳ lạ nào xảy đến, vào đúng thời điểm, với đúng người, để trở thành ký ức vĩnh cửu. Hãy thử tưởng tượng, tưởng tượng thôi, ta từng yêu một người con gái như thế.

Người ấy đam mê Roxette từ khi còn đi học, đắm đuối với giọng hát cũng như ca từ mê hoặc của Marie, thậm chí là từng cắt tóc giống chị, và cũng phải trải qua những khúc quanh cuộc đời như chị. Người ấy vẫn luôn cố gắng mạnh mẽ, nhưng cũng luôn ở bên lằn ranh cuối cùng mong manh ngăn cách với sự sụp đổ. Người ấy tìm đến ta, và ta làm người ấy xước xát thêm nữa. Ta không đủ dũng khí để lại gần, chỉ có thể ở rất xa, nghe nhạc, hình dung và tưởng tượng.

Roxette là nhóm nhạc Thụy Điển gồm hai người là Marie Fredriksson và Per Gessle, thành lập năm 1986. Họ nổi tiếng toàn thế giới vào cuối thập niên 1980 khi phát hành album đột phá Look Sharp!. Trước khi trở thành bộ đôi, cả Fredriksson và Gessle đều là những nghệ sĩ có tiếng ở Thụy Điển. Theo lời khuyên của quản lý hãng thu âm của họ, đôi bên đã cùng nhau thu âm ca khúc Neverending Love, trở thành đĩa đơn đình đám ở Thụy Điển.
Cùng nhau, cặp đôi tiếp tục ra mắt những album thành công vang dội, “chinh chến” ở khắp thế giới. Tới năm 2002, Roxette phải tạm dừng thu âm và lưu diễn do Fredrksson bị chẩn đoán mắc bệnh u não. Năm 2009, Roxette lần đầu tái hợp trong chuyến lưu diễn châu Âu của Gessle.
Năm 2011, nhóm phát hành Charm School, album phòng thu đầu tiên sau 10 năm ngắt quãng và theo sau ngay đó là Travelling năm 2012. Album cuối cùng của họ, Good Karma, ra mắt năm 2016.
Dù nhóm có kế hoạch phát hành thêm nhiều sản phẩm nhưng tình trạng bệnh tật của Fredriksoon đã gây nhiểu trở ngại. Cái chết của bà vào ngày 9/12/2019 đã kết thúc mọi hứa hẹn. Fredriksson qua đời ở tuổi 61 do u não tái phát.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *