Theo đuổi hành trình trở thành một ban nhạc rock để lại những di sản giá trị, Raditori luôn nỗ lực sáng tạo những sản phẩm âm nhạc chất lượng và gửi gắm trong đó những thông điệp sâu sắc. 

Hành trình phiêu bạt tìm những người “đồng chí”

Thành lập từ năm 2018 và được biết đến nhiều hơn qua tác phẩm đầu tiên mang tên ‘Già,’ Raditori dần trở thành cái tên quen thuộc đối với cộng đồng yêu rock tại Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Hai dấu ấn đặc biệt nhất của nhóm tính đến nay phải kể đến chuỗi live session độc đáo và EP “Khung Cửa Khét” ra mắt vào năm 2020. Trong khi chuỗi live session cho thấy nét hài hước và ngẫu hứng với phần phông nền của video không-giống-ai như khu trọ bị ngập trong ‘Như Màn Mưa,’ trên mái nhà trong ‘Khung Cửa Biếc,’ hay đám đông thả diều trong ‘Khờ’; thì EP “Khung Cửa Khét” lại thể hiện rõ cá tính âm nhạc mạnh mẽ, phóng khoáng nhưng cũng đong đầy cảm xúc và suy tư. Raditori cũng thường xuất hiện tại những sân chơi âm nhạc có tiếng tại Sài Gòn như Hội, Yoko Cafe, RFC hay Homeland Artists, v.v.

Để có một Raditori hoàn chỉnh như ngày hôm nay, cả nhóm đã phải trải qua nhiều lần “thay da đổi thịt.” Với đam mê nhạc rock từ khi con nhỏ, Đức Nguyên, người đảm nhiệm vị trí sáng tác cũng như hát chính, đã luôn mong ước có thể thành lập một ban nhạc riêng cho chính mình. Để biến ước mơ trở thành hiện thực, Nguyên quyết định tìm kiếm đồng đội có chung chí hướng tại các quán cafe nhạc trên khắp các ngõ ngách Sài Gòn. Thế nhưng sau hai năm lăn lộn, Đức Nguyên vẫn chẳng thể tìm được một mảnh ghép nào phù hợp.

Cho đến 2018, khi đêm hội Kiến Xây của trường Đại học Văn Lang được tổ chức, Đức Nguyên đã cùng khoảng bảy người bạn tụ lại thành một nhóm để biểu diễn các tiết mục mà theo anh chàng là “bậy bạ nhưng vui.” Cũng chính qua đó mà hai thành viên đầu tiên đảm nhận vị trí trống và keyboard đầu tiên của nhóm xuất hiện. Chưa được bao lâu thì người đến người đi, Raditori lúc bấy giờ vẫn còn mang tên Radio Story lại tiếp tục trống vắng. Mãi về sau khi vị trí tay bass và trống đã ổn định với sự góp mặt Hoàng Chương và Quốc Thiên thì bấy giờ nhóm lại mất đi bạn guitar lead. Cảm thấy mệt mỏi với quá tình tìm nhân tố mới, Đức Nguyên đã mở lời gợi ý Văn Đức, producer của Raditori suốt thời gian qua cùng lên sân khấu. Bất ngờ thay, Văn Đức dù không chơi guitar chuyên nghiệp nhưng cuối cùng vẫn gật đầu đồng ý trở thành guitarist. Và như vậy, Raditori cuối cùng cũng hoàn thiện và đánh dấu sự trở lại của mình với EP “Khung Cửa Khét.”

Lan tỏa những thông điệp tích cực qua rock

Miêu tả về âm nhạc của mình, Đức Nguyên và Văn Đức cười đùa: “Ngầu. Ngầu là thước đo của Raditori.” Thế nhưng thực chất, khi thực hiện một bài hát, cả nhóm đã tính toán nhiều điều hơn vậy. Với Raditori, âm nhạc của họ không gò mình vào bất kì khuôn khổ nào, mỗi tác phẩm, EP hay album đều có những màu sắc riêng biệt. Chính Đức Nguyên cũng thừa nhận phong cách sáng tác của cậu rất phóng khoáng, tự do và chú trọng vào yếu tố hình tượng. Khi bắt đầu sáng tác, Nguyên không tập trung về một điều gì cụ thể hay xác định viết cho riêng ai. “Vì vậy mỗi ca khúc của Raditori không có ý nghĩa cố định, khán giả có thể hiểu, cũng có thể không hiểu hoặc hiểu theo cách của họ,” chàng trai đảm nhiệm sáng tác và hát chính chia sẻ.

Về “Khung Cửa Khét,” EP này có tổng cộng 5 bài; nhóm dành từ 1 đến 2 tuần cho giai đoạn đoạn sản xuất, chưa tính thời gian sáng tác. “Chỉ khi nào cảm thấy hoàn hảo nhất trên từng nhạc cụ thì tụi mình mới quyết định ‘chốt đơn,’” Văn Đức nói.

Cái tên “Khung Cửa Khét” được ghép lại từ tên hai bài hát trong EP, lần lượt là ‘Khung Cửa Biếc’ và ‘Khét.’ Nói về ‘Khung Cửa Biếc,’ Đức Nguyên chia sẻ, khi viết bài này, anh đã nghĩ về cảm giác của mọt người khi nhìn qua khung cửa sổ: “Qua nhiều năm, người đó đã nhìn thấy mọi thứ xung quanh thay đổi qua khung cửa, và cũng ở đó, họ thấy chính mình không còn như xưa. Thứ duy nhất vẹn nguyên sau mọi giông tố là màu xanh của bầu trời.”

Còn với tựa đề ‘Khét,’ vốn là tính từ để chỉ độ cháy của thức ăn khi khi quá lửa là điều mà Đức Nguyên và band muốn dùng để miêu tả cảm giác chán chường của một người luôn cố vùi mình vào một nơi thơ mộng trong tâm hồn rồi cháy khét vì nỗi sợ hãi thực tế — một cảm xúc dễ đồng cảm, bởi ai cũng có lúc sợ hãi, vì những điều mình yêu mà trở nên ích kỉ.

 

Những tác phẩm khác trong EP cũng chứa đựng những thông điệp tích cực. Cả nhóm mong muốn những sáng tác của mình sẽ giúp người khác cảm thấy bản thân không hề đơn độc. Đức Nguyên chia sẻ: “Trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống, hãy cứ bình thường với mọi vấn đề, vui vẻ và chấp nhận sự việc vì tất cả các thăng trầm khác nhau sẽ làm cuộc sống hoàn thiện, như sự biến tấu khác nhau của nhạc cụ sẽ khiến bài nhạc trở nên thú vị hơn.”

Chính tâm niệm này sẽ được Raditori mang theo vào trong album sắp tới của nhóm mang tên “Những Con Người.”  Văn Đức tiêt lộ, album bao gồm tám bài hát cùng phần intro và outro. Trong đó, tên tác phẩm sẽ đi theo công thức: “Những con người” và một tính từ mô tả cảm xúc. Nhóm hi vọng rằng khi thưởng thức album, khán giả sẽ biết rằng họ không đơn độc một mình trải qua những biến đổi của cuộc sống.

Kiến tạo di sản riêng cho rock Việt

Cuộc trao đổi với nhóm đã cho tôi hai luồng cảm xúc khác nhau về những chàng trai: vô tư, vui tính, hồn nhiên mà cũng rất chín chắn, chuyên nghiệp trong tư duy âm nhạc. Đức Nguyên bày tỏ, dù vẫn cố gắng hoàn thành việc học trong ngành kiến trúc để cha mẹ vui lòng nhưng từ đầu anh đã quyết tâm đi đến cùng với những sáng tác của mình. Anh biết, làm nhạc tự do là một con đường bấp bênh nhưng “bất kì công việc nào cũng có rủi ro hết nhưng khi mình muốn thì phải làm đến cùng, không được phép nghĩ đến thất bại.”

Còn với Văn Đức, anh chàng hiểu rằng dừng chân là điều sẽ xảy ra, dù sớm hay muộn, bởi đó là “lẽ đương nhiên, đặc biệt [trong bối cảnh làm nhạc độc lập] ở Việt Nam.” Nhưng Văn Đức muốn rằng Raditori sẽ để lại một di sản cho rock Việt, để dẫu bao lâu đi chăng nữa, mọi người sẽ nhớ đến nhóm cùng chất riêng mà Raditori mang đến trong từng tác phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *