Nước Mỹ yêu quý Carole King và luôn coi bà như một người bạn tâm giao trong âm nhạc. Một nữ nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn vĩ đại nhất với kỷ lục 118 ca khúc top hit lọt vào Bảng xếp hạng Billhoard, 75 triệu album tiêu thụ khắp toàn cầu.
Ít người biết rằng Aretha Franklin, Rod Stewart hay nhóm The Beatles đều từng thể hiện các ca khúc do Carole King sáng tác. Không chỉ là đại diện xuất sắc cho nghệ sỹ nữ thập niên 60-70, bà còn tiên phong vai trò hình ảnh giao thoa giữa nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn.

Tài năng âm nhạc sớm bộc lộ

Carole King sinh năm 1942 tại Manhattan, New York trong gia đình bố mẹ người gốc Do Thái. Bà được dạy piano từ năm lên 4 tuổi và sớm bộc lộ năng khiếu biểu diễn khi lập nhóm nhạc Co-Sines ở trung học. Khi vào học Queen College, Carole tình cờ quen với nghệ sỹ sáng tác Neil Sedaka, Paul Simon và người bạn đời Gerry Goffin. Carole kết hôn với Gerry năm bà mới 17 tuổi, đồng thời cặp đôi đồng sáng tác và sản xuất những đứa con tinh thần quý giá.

Trước khi bà kết hôn, Neil Sedaka say mê Carole King, sáng tác ca khúc nổi tiếng Oh Carol để bày tỏ tình cảm với bà vào năm 1959. Ngay lập tức cặp đôi King và Giffin đáp trả bằng bài hát vui nhộn Oh Neil dựa trên nền nhạc bài của Sedaka. Cho đến giờ, đây là vẫn sự kiện sự hài hước nhất trong làng âm nhạc hiện đại, cũng khắc họa được tư tưởng thực tế pha chút dí dỏm của Carole trong kỹ năng viết lời.

Sự nghiệp sáng tác nhạc nở hoa

Bắt đầu sáng tác từ năm 15 tuổi, nhưng phải 4 năm sau, năm 1961, tên tuổi Carole King mới chính thức biết đến rộng rãi. Thành công vang dội của bản hit Will you love me tomorrow do nhóm nhạc nữ da màu The Shirelles thể hiện, chính thức mở màn cho sự nghiệp sáng tác thăng hoa của hai vợ chồng Carole. Ca khúc leo lên hạng 1 bảng xếp hạng Billboard và được coi là bản ballad đẹp nhất Carole King viết về tình yêu. Giờ đây, tên tuổi Carole King không còn trầm lặng nữa mà liên tiếp khuấy đảo bảng xếp hạng âm nhạc.

Hàng loạt bản hit choán ngôi bảng xếp hạng thập niên 60 như Take Good Care of My Baby, The Loco-Motion, Chains được nhóm The Beatles cover, đặc biệt là tác phẩm You Make Me Feel Like a Natural Womando nữ ca sỹ Aretha Franklin thể hiện. Càng về sau, các tác phẩm do Carole King viết khá trúc trắc về giai điệu, khó về cách xử lý nhưng ca từ rất sâu sắc. Bà đã tạo ra chuẩn mực mới về ca từ tại thời điếm đó.

Không chỉ toát lên sự giản dị, lãng mạn, điểm cộng lớn nhất của Carole King là truyền tải được quan điểm sống rất thực tế của người Mỹ. Thành công về sự nghiệp sáng tác cũng mở đường cho Carole King lấn sân trong vai trò ca sỹ trong thập niên 60. Tuy nhiên, bà chỉ ghi lại dấu ấn nhờ một bản hit duy nhất năm 1962 It Might as Well Rain Until September khi khán giả vẫn đóng đinh bà với hình ảnh nhạc sỹ.

Album để đời Tapestry năm 1971

Sau album đầu tay solo Writer (1970) không để lại nhiều dấu ấn, Carole King được người bạn lâu năm, nam nghệ sỹ James Taylor động viên theo đuổi sự nghiệp solo. Một năm sau, album Tapestry ra mắt năm 1971 đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của Carole. Bà giành được bốn giải Grammy quan trọng nhất trong đó có Ghi âm của năm cho It’s Too Late và Ca khúc của năm cho You’ve got a friend. Đây vẫn được coi là kỳ tích của một nhạc sỹ/ca sỹ nữ khi lần đầu tiên giành giải Ca khúc của năm. Album Tapestry trụ tại bảng xếp hạng Billboard trong gần sáu năm và trở thành album bán chạy nhất thập niên 70.

Điều gì tạo nên sức hút thần kỳ của Carole King trong album này ? Nhạc cụ chủ yếu sử dụng piano và pha ít trống, album pop/rock pha hơi hướng nhẹ của jazz, giàu cảm xúc vì chính nhạc sỹ là người truyển tải thông điệp sáng tác.

Cần lưu ý rằng thập niên 60 và 70 là sự bùng nổ của trào lưu phản chiến với tuyên ngôn Make Love Not War khởi nguồn từ chiến tranh Việt Nam. Thời điểm ra mắt Album Tapestry đúng điểm rơi của trào lưu này. Carole thành công khi khắc họa chân thực nhất đời sống tình cảm người Mỹ. Hai ca khúc I Can Feel the Earth Movevà You Make Me Feel like a Natural Woman mô tả trực diện về đời sống tình dục viên mãn, So Far Away khắc họa sự cô đơn lẻ loi. It’s Too Late nói về sự đổ vỡ tình cảm, Beautiful đề cao sự coi trọng giá trị bản thân, hay đề cao giá trị tình bạn trong bản hit bất hủ You’ve got a friend (Bạn luôn có một người bạn).

Một người bạn kiểu Mỹ

Gần 50 năm sau, thành công của album Tapestry là mũi tên trúng nhiều đích không chỉ riêng với sự nghiệp Carole King mà còn cả nền công nghiệp âm nhạc. Về mặt nghệ thuật, đó là sự tôn vinh nghệ sỹ tài năng vừa có thể sáng tác khiêm biểu diễn, đặc biệt về kỹ năng viết lời xuất sắc. Thành công về thương mại nói lên sự gắn bó hữu cơ giữa âm nhạc và đời sống, cụ thể là sự từng trải của người nghệ sỹ.

Trả lời phỏng vấn đài CBS, Carole thổ lộ rằng khán giả yêu mến bà vì họ coi bà như một người bạn thực tế và không viển vông. Âm nhạc của Carole không cần minh họa bằng các video clip gợi cảm, bốc lửa như Madonna như Beyonce. Thực tế, sự khêu gợi hay cảm xúc mãnh liệt được phản ánh hết trong ca từ, giai điệu khỏe khoắn, vút bay như ca khúc You Make Me Feel. Chính vì vậy, khán giả luôn tâm niệm Carole King là người bạn lớn trong âm nhạc, không trầm lặng và luôn thấu hiểu muôn vạn trạng cảm xúc.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *